Đề bài : Tình yêu và sự gắn bó thiên nhiên đã giúp Hữu Thỉnh viết nên những vần thơ “ Sang thu” thật sinh động và ý nghĩa. Qua đó, em có suy nghĩ gì về tình cảm của con người với thế giới thiên nhiên quanh mình?
Bài làm
“ Sang thu ” là một bài thơ đặc sắc của Hữu Thỉnh, hình như từng vần thơ trong đó được tác giả viết ra bằng tất cả tình yêu, sự gắn bó tha thiết với thiên nhiên khiến cho bạn đọc phải động lòng trước mối quan hệ tình cảm của con người với thế giới thiên nhiên quanh mình. Các bạn ạ, thế giới thiên nhiên luôn hiện hữu và rất gần gũi với con người. Thiên nhiên thật đẹp và kì thú biết bao. Có lẽ vậy mà nó thường đi vào thế giới nghệ thuật của thi ca. Thiên nhiên không chỉ là một phần của cuộc sống mà còn rất ý nghĩa với cuộc sống con người. Trong kháng chiến, “ Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” ( Tố Hữu). Thiên nhiên làm bạn với chiến sĩ “ Ánh sao đầu súng, bạn cùng mũ nan” ( Tố Hữu); “ hồi chiến tranh ở rừng, vầng trăng thành tri kỉ” ( Nguyễn Duy). Tình cảm giữa con người với thiên nhiên gắn bó thật sâu sắc. Chính bởi sự gắn bó sâu sắc ấy mà Hữu Thịnh đã viết nên những vần thơ “ Sang thu” . Đó là một mùa thu ở đồng bằng Bắc Bộ năm 1977. Có thể nói, “Sang thu” là một bức thông điệp lúc giao mùa: Mùa hạ dần qua và mùa thu đang tới. Khoảnh khắc ấy được tác giả diễn tả bằng sự rung động tinh tế với những trải nghiệm sâu sắc của bản thân. Mạch cảm xúc xuyên suốt bài thơ gắn liền với hai nội dung nổi bật: Cảm nhận về thiên nhiên lúc sang thu ( với hương ổi, gió se, làn sương chùng chình, dòng sông, cánh chim…) và suy ngẫm về đời người khi chớm thu ( qua hình ảnh hàng cây đứng tuổi khép lại bài thơ) thật ý nghĩa…Trong thực tế đời sống đôi khi ta cũng thấy những biểu hiện con người dần xa với thiên nhiên, vô tâm trước thế giới thiên nhiên rất gần ngay bên mình, dành cho mình bao ưu ái. Nói như nhà thơ Nguyễn Duy, có lúc: “ Vầng trăng đi qua ngõ, như người dưng qua đường” . Không chỉ thế, nạn phá rừng dẫn đến lũ lụt, không khí ô nhiễm, trái đất nóng lên…ngày càng trầm trọng. Trong thời gian gần đây, dư luận “ dậy sóng” khi chính quyền TP Hà Nội ra quyết định chặt cây xanh trên các tuyến phố. Rất nhiều người dân phản đối bởi những cây xanh bị chặt phá hầu hết là các cây còn tốt, lâu năm và gắn bó với thành phố. Dù quyết định đã được thu lại nhưng qua đây, ta thấy sự chỉ đạo thiếu thực tế, không quan tâm đến ý nghĩa của thiên nhiên ( cây xanh) với đời sống con người của các cấp lãnh đạo, đối lập với tình yêu, sự gắn bó với thiên nhiên của người dân. Ta được lắng nghe bao nhiêu ý kiến, được đọc bao nhiêu bài báo, nghe những bài hát cảm động, nói về tình cảm của con người thủ đô với cây xanh…Và để khắc phục những hậu quả của việc vô tâm với thiên nhiên, rất nhiều bạn trẻ đã lập thành các nhóm, vận động mọi người giữ gìn “ cuộc sống xanh”. Đặc biệt, sự nỗ lực “ xanh hóa những mái nhà “ của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa thu hút được sự chú ý của nhiều người. Anh Nghĩa chia sẻ: “ Nghề kiến trúc và xây dựng phát triển, những khối bê tông sắt thép mọc lên ngày càng nhiều, chúng ta đã tàn phá môi trường, tàn phá thế giới nên tôi mong muốn là ra những công trình có thể trả lại màng xanh cho Trái Đất này”…Còn với chúng ta- học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường – những chủ nhân tương lai của đất nước, chúng ta hãy tích cực trồng và bảo vệ cây xanh; hãy kêu gọi mọi người cùng chung tay giữ cho môi trường sống luôn xanh – sạch – đẹp các bạn nhé. Chúng ta hãy cùng nhau nối vòng tay lớn để bảo vệ thiên nhiên, để thiên nhiên luôn đẹp và gần gũi với con người, để lại có thể rung động lòng mình như nhà thơ Hữu Thỉnh trong thời khắc “ Sang thu”.
🔻 Xem thêm:
Thảo luận về bài viết này