Đề bài : Phân tích cơ sở hình thành tình đồng chí của những người lính cách mạng trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu.
Bài làm
Chính Hữu là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Thơ ông vừa bình dị, sâu lắng và hàm súc; thường tập trung khai thác ở hai mảng đề tài chính là người lính và chiến tranh. Bài thơ “ Đồng chí” sáng tác năm 1948 là kết quả từ những trải nghiệm của tác giả về thực tế cuộc sống và chiến đấu của bộ đội ta trong những ngày đầu kháng chiến. Qua bài thơ, người đọc thấy được tình cảm đồng chí, đồng đội keo sơn, gắn bó mặn nồng. Đặc biệt, 7 câu thơ đầu bài thơ đã cho thấy cơ sở hình thành tình đồng chí, đồng đội của những người lính.
“Đồng chí” được sáng tác năm 1948, sau khi tác giả tham gia chiến dịch Việt Bắc Thu- Đông( 1947)- thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Bài thơ ca ngợi tình đồng đội gian khổ có nhau của các anh bộ đội Cụ Hồ trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Trong đó, 7 câu thơ đầu là những lời thơ xúc động của Chính Hữu khi kể về những người lính với hoàn cảnh xuất thân, lí tưởng, tấm lòng… có những điểm tương đồng, là cơ sở nảy sinh tình đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn.
Trước tiên, tình đồng chí bắt nguồn từ sự tương đồng về hoàn cảnh xuất thân:
“Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”.
Hai câu thơ đầu tiên, tác giả sử dụng nghệ thuật đối “quê hương anh” – ‘làng tôi”, “nước mặn, đồng chua” – “đất cày lên sỏi đá”, gợi lên sự tương đồng về quê hương của những người lính.
Thành ngữ “nước mặn đồng chua”: gợi lên một miền đất nắng gió ven biển, đất đai bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, rất khó trồng trọt. Cái đói, cái nghèo như manh nha từ trong làn nước. Còn cụm từ “đất cày lên sỏi đá” lại gợi lên trong lòng người đọc về một vùng đồi núi, trung du đất đai cằn cỗi, khó canh tác. Cái đói, cái nghèo như ăn sâu vào trong lòng đất.
Lời thơ mộc mạc, giản dị, chân thành đã cho thấy những người lính, họ đều xuất thân từ những người nông dân chân lấm tay bùn, vất vả và nghèo khó. Các anh tuy có khác nhau về địa giới, người miền xuôi, kẻ miền ngược thì cũng giống nhau ở cái nghèo, cái khổ. Chính sự tương đồng về cảnh ngộ, sự đồng cảm giai cấp là sợi dây tình cảm nối họ lại với nhau, là cơ sở ban đầu để hình thành trong họ tình đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn.
Không chỉ tương đồng về hoàn cảnh xuất thân, từ những con người vốn chẳng hề thân quen, nay cùng chung lí tưởng cách mạng mà gặp gỡ, từ đó mà làm nên tình đồng chí.
“Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau”.
Nếu trong 2 câu thơ mở đầu, “tôi”, “anh” đứng ở 2 vị trí độc lập, tách rời thì đến 2 câu thơ này, “tôi”, “anh” đã chung trong một dòng thơ. Nhà thơ không nói “hai người xa lạ” mà là “đôi người xa lạ”! Vì thế ý thơ được nhấn mạnh, mở rộng thêm. Đôi có nghĩa là sự gắn bó chặt chẽ, keo sơn, thắm thiết. Dùng từ đôi, Chính Hữu đã muốn khẳng định tình thân gắn bó không thể tách dời giữa những người lính chiến sĩ.
Câu thơ “súng bên súng, đầu sát bên đầu” có sự đối ứng chặt chẽ: “Súng bên súng”: là cách nói giàu hình tượng để diễn tả sự cùng nhau kề vai sát cánh đi bên nhau trong chiến đấu; cùng chung mục tiêu, cùng chung nhiệm vụ. “Đầu sát bên đầu”: là cách nói hoán dụ tượng trưng cho ý chí, quyết tâm chiến đấu của những người lính trong cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc.
Câu thơ chia làm 2 vế tiểu đối đã làm nổi bật hình ảnh những người đồng đội luôn sát cánh bên nhau. Trong cuộc sống nơi chiến trường, họ cùng trải qua những khó khăn, thiếu thốn. Đó cũng là cơ sở để những người lính thể hiện tình đồng chí đồng đội gắn bó “Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”. Cuộc sống chiến đấu đã gắn kết những người chiến sĩ. Hai dòng chữ chỉ có một chữ chung mà cái chung đã bao trùm lên tất cả. Câu thơ đã gợi lên một hình ảnh đẹp đong đầy những kỉ niệm. Những người lính đã từng chiến đấu nơi chiến khu Việt Bắc hẳn không ai quên được cái rét của núi rừng như nhà thơ Tố Hữu đã viết:
Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế
Gió qua rừng Đèo Khế gió sang.
Và cũng chẳng ai quên được sự yêu thương chia sẻ của mọi người “bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng” (Tố Hữu). Họ cùng nhau chia sẻ vui buồn, họ kể cho nhau nghe về bản thân mình; họ cùng truyền cho nhau hơi ấm tình đồng đội… Và nếu như “anh với tôi” vẫn còn có một chút khoảng cách thì đến bây giờ, khi “đêm rét chung chăn”, mọi khoảng cách đã không còn.Tất cả những hành động và tình cảm chân thành ấy đã làm nên những người bạn “tri kỉ” tri âm mà cao hơn là tình đồng chí, đồng đội bền chặt, thiêng liêng.
Khép lại đoạn thơ là một câu thơ có vị trí rất đặc biệt, được cấu tạo bởi hai từ: “ đồng chí!”. Câu thơ vang lên như một phát hiện, một lời khẳng định, một định nghĩa về đồng chí. Thể hiện cảm xúc dồn nén, được thốt ra như một cao trào của cảm xúc, trở thành tiếng gọi thiets tha của tình đòng chí, đồng đội. Dòng thơ đặc biệt ấy như một bản lề gắn kết. Nó nâng cao ý thơ đoạn trước và mở ra ý thơ đoạn sau. Dấu chấm cảm đi kèm hai tiếng ấy bỗng như chất chứa bao trìu mến yêu thương.
Với giọng điệu tâm tình, thiết tha; lời thơ giản dị, nồng ấm; đoạn thơ đã đi sâu khám phá, lí giải cơ sở của tình đồng chí. Đồng thời tác giả đã cho thấy sự biến đổi kì diệu từ những người nông dân hoàn toàn xa lạ trở thành những người đồng chí đồng, đội sống chết có nhau. Tình đồng chí, đồng đội nảy nở và bền chặt trong sự chan hoà, chia sẻ mọi gian lao cũng như những niềm vui, nỗi buồn. Đó là mối tình tri kỉ của những người bạn chí cốt, những người đồng chí, đồng đội, sống gắn bó bên nhau.
Đoạn thơ kết thúc nhưng dư âm còn vang mãi trong lòng mỗi người. Hình ảnh người chiến sĩ với tình cảm đồng chí, đồng đội như còn khắc sâu trong tâm trí người đọc. Ta thêm cảm phục, tự hào về những con người bình dị mà cao đẹp trong buổi đầu kháng chiến đầy gian khổ. Từ đó, ta mới thấy hết được trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ và phát triển quê hương, dân tộc mình.
🔻 Xem thêm:
- Hình ảnh người chiến sĩ trong bài thơ “Đồng chí”
- Cảm nhận 10 câu thơ giữa bài “Đồng chí”
- Phân tích 7 câu thơ đầu bài “Đồng chí”
- Cảm nhận về hình ảnh người lính trong 3 khổ cuối bài Đồng chí của Chính Hữu
- Cảm nhận bài thơ Đồng chí từ nhiều góc nhìn
- Tổng hợp những nhận định hay về Chính Hữu và bài thơ “Đồng chí”
- Bức tượng đài về người lính trong bài thơ “Đồng chí”
- Suy nghĩ về hình tượng con người đối diện vầng trăng trong 2 đoạn thơ “Ánh trăng” và “Đồng chí”
- Phân tích vẻ đẹp hình tượng người lính ở ba câu thơ cuối “Đồng chí”
Discussion about this post