Khi bàn về vai trò của nhà văn, Thạch Lam đã nói: “Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm ra cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, để cho người đọc bài học trông nhìn và thưởng thức”. Nhà văn là cha đẻ tinh thần của tác phẩm, là người đã thai nghén, ấp ủ và rồi sản sinh ra tác phẩm. Họ là những người đã trút hết tài năng, tâm huyết để tạo nên tác phẩm và gửi gắm những tư tưởng, nguyện vọng, khát khao. Nói cách khác, nhà văn là người mang đến cho tác phẩm một sinh mệnh, một diện mạo. Hầu hết trong các tác phẩm ấy đều được nhen nhóm, mang theo những tình cảm riêng của tác giả. Đó là những tình cảm mới lạ mà người nghệ sĩ đã phải chắt lọc tất cả tinh túy để tạo ra những đứa con tinh thần” của mình. Có như vậy, mỗi văn nghệ sĩ mới tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đích thực, mới mang đến cho độc giả những tình cảm mới mẻ đối với họ. Vì lẽ đó, nhà văn Leptonxtoi đã nhận định: “Chỉ có tác phẩm nghệ thuật nào truyền đạt cho mọi người những tình cảm mới mà họ chưa từng thể nghiệm thì mới là tác phẩm nghệ thuật đích thực”. Qua việc phân tích tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê và tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long, ta sẽ thấy được “những tình cảm mới” tạo nên “tác phẩm nghệ thuật đích thực” trong từng thiên truyện.
Sáng tác văn học là một hoạt động sáng tạo tinh thần đòi hỏi nhà văn không thể không có những tình cảm mới mẻ của riêng mình. Những “tình cảm mới” ấy không chỉ là những tâm tư, cảm xúc mà nó còn là thái độ, suy ngẫm hay thậm chí là cách nhìn nhận, là một phát hiện mới của nhà văn. Tất cả tình cảm ấy đều phải xuất phát từ hiện thực khách quan của cuộc sống qua lăng kính nghệ thuật của người nghệ sĩ. Do đó, tình cảm là gốc, vừa khơi nguồn sáng tạo vừa tạo nên sức mạnh của tác phẩm. Chỉ khi nào người viết có tình cảm chân thành, sâu sắc thì tác phẩm mới có sức hấp dẫn. Một “tác phẩm nghệ thuật đích thực” phải là một tác phẩm chứa đựng những nội dung, tư tưởng đích thực. Nó phải hoàn toàn có ý nghĩa với cuộc sống của con người, có ảnh hưởng sâu sắc đến độc giả, và rộng hơn nữa là toàn nhân loại. Nó chỉ trở nên hoàn chỉnh khi nhà văn đổi mới những nội dung và đồng thời cũng chính họ tìm cho những nội dung ấy một hình thức thật lạ, thật phù hợp bằng những tình cảm riêng của mình. Như vậy, câu nói của Leptonxtoi đã khẳng định tính đúng đắn về một tác phẩm văn học nghệ thuật chân chính và vai trò của người nghệ sĩ đối với tác phẩm và công chúng. Nói cách khác, yếu tố quan trọng nhất tạo nên tác phẩm nghệ thuật đích thực đó là những tình cảm mới, và đòi hỏi người nghệ sĩ phải làm sao cho những tình cảm ấy có khả năng truyền đạt cho tất cả độc giả một cách sâu sắc, chân thật, ý nghĩa nhất.
Tác phẩm nghệ thuật là một tác phẩm thể hiện tư tưởng, tình cảm. Tác phẩm nghệ thuật tác động đến người đọc trước hết cũng ở phương diện tư tưởng, tình cảm. Chính tác phẩm nghệ thuật nói riêng hay văn học nói chung đều có chức năng chính là giáo dục, thẩm mĩ… Những chức năng đó của văn học đều hướng con người ta đến những tư tưởng, tình cảm tốt đẹp. “Văn học giúp con người hiểu được bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân mình và làm nảy nở ở con người khát vọng hướng tới chân lý” (M. Gorki). Tác phẩm văn học không chỉ là một phương tiện để nhà văn phản ánh cuộc sống mà còn là nơi nhà văn thể hiện thái độ, tư tưởng, tình cảm của mình, để nhà văn miêu tả. Để sáng tạo nên một tác phẩm văn học nghệ thuật, người nghệ sĩ phải dùng tài năng, tâm huyết, sức lực của mình để truyền tải tâm tư, tình cảm, tư tưởng của mình. “Văn học, đó là tư tưởng đi tìm cái đẹp trong ánh sáng” (Charles Dubos). Đọc tác phẩm văn học, người đọc không chỉ hiểu biết về những gì diễn ra trong cuộc sống mà còn hiểu được thông điệp của người cầm bút. Vì lẽ đó, văn học còn là mảnh đất cho người nghệ sĩ gieo những hạt mầm tình cảm của mình. Hiểu được tầm quan trọng ấy của người nghệ sĩ đối với văn học, Nguyễn Khải đã nhận định: “Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó. Nhưng là tư tưởng đã được rung lên ở các cung bậc và tình cảm chứ không phải là tư tưởng nằm thẳng đơ trên trang giấy. Có thể nói, tình cảm của người viết là khâu đầu tiên và là khâu sau cùng trong quá trình xây dựng một tác phẩm nghệ thuật”. Thơ ca có quy luật của thơ ca, văn học cũng vậy. Văn học chính là tiếng nói của tình cảm, thể hiện lối tư duy, hình tượng văn học. Hình tượng văn học thường tác động đến người đọc bằng những rung cảm thẩm mĩ. Tuy nhiên, sự truyền đạt ấy chỉ trở nên sâu sắc khi nhà văn gửi đến người đọc những tình cảm mới, những phát hiện, những suy ngẫm, những đánh giá sâu sắc của nhà văn về cuộc đời con người, về hiện thực khách quan mà nhà văn miêu tả. “Nghệ sĩ là người biết khai thác những ấn tượng riêng chủ quan của mình, tìm thấy những ấn tượng đó có giá trị và biết làm cho những ấn tượng đó có những hình thức riêng” (M. Gorki). Những tình cảm mới có thể rất nhỏ bé, bình dị ở những hiện thực quen thuộc. Tuy nhiên, qua góc nhìn, lăng kính của nhà văn, họ vẫn có những khám phá mới, tình cảm mới ở những hiện thực quen thuộc đó. Khi có tình cảm mới, tác phẩm sẽ chứa đựng một nội dung, tư tưởng sâu sắc, mới mẻ. “Mỗi tác phẩm nghệ thuật phải là mỗi phát minh về hình thức và khám phá mới về nội dung” (Leonit Lêonop). Tác phẩm văn học chỉ có đời sống trọn vẹn khi đến tay độc giả, được bạn đọc hiểu và tri ân. Tâm hồn bạn đọc sẽ phong phú hơn, có những rung cảm thẩm mĩ, tinh tế, có những thái độ hướng đến cái đẹp chân chính ở đời. Bởi tác phẩm là cầu nối làm người với người gần nhau hơn. Tác phẩm sẽ trở thành tiếng nói chung của mỗi giai cấp, thời đại. Tuy nhiên, tình cảm mới phải là tình cảm chỉ tác giả này có, nhà văn khác không có, chỉ có tác dụng, ý nghĩa, chỉ cho tác phẩm ý nghĩa nghệ thuật tích cực khi nó tiến bộ, có ý nghĩa tích cực với đời sống nhân loại. “Nếu tác giả không có lối đi riêng thì người đó không bao giờ là nhà văn cả… Nếu anh ta không có giọng riêng, anh khó trở thành nhà văn thực thụ” (Sê Khốp). Tóm lại, một tác phẩm nghệ thuật đích thực ra đời đều được chắp nên từ những tình cảm mới lạ, riêng biệt của người nghệ sĩ và tài năng của họ đã bất tử hóa tác phẩm ấy.
Tác phẩm nghệ thuật là kết quả của một quá trình nuôi dưỡng cảm hứng, thai nghén sáng tạo ra một thế giới hấp dẫn sinh động, thể hiện những vấn đề có ý nghĩa sâu sắc, bản chất của đời sống xã hội con người. Nhân vật trong tác phẩm của một thiên tài thật sự nhiều khi thật hơn cả con người ngoài đời bởi sức sống lâu bền, bởi ý nghĩa điển hình của nó. Qua nhân vật ta thấy cả một tầng lớp, một giai cấp, một thời đại, thậm chí có nhân vật vượt lên khỏi thời đại, có ý nghĩa nhân loại, vĩnh cửu sống mãi với thời gian. Xét trên phương diện đó, tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” của tác giả Lê Minh Khuê là một tác phẩm mang những tư tưởng, tình cảm mới mẻ mà bạn đọc có thể chưa từng được thể nghiệm ở bất kì đâu. Lê Minh Khuê thuộc thế hệ nhà văn trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ. Những tác phẩm đầu tay của chị ra mắt vào những năm 70. Là một người đã từng gắn bó với khoảng trời bom đạn ấy, nhà văn Lê Minh Khuê đã khai thác đề tài quen thuộc và chắp bút viết nên nhiều tác phẩm nổi tiếng với độc giả. Từ ngày xưa, người phụ nữ truyền thống Việt Nam nổi tiếng với khẩu hiệu trung thực, đảm đang và dũng cảm, gan dạ. Đặc biệt trong những cuộc kháng chiến, khi bờ cõi đất nước bị lăm le xâm lược thì bản lĩnh và vẻ đẹp tâm hồn ấy càng được phát huy hơn bao giờ hết. Tất cả những vẻ đẹp ấy đã đi vào tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê, sáng tác năm 1971. Điều sáng giá nhất tạo nên một cái nhìn không nhàm chán về chiến tranh, đối lập với chiến tranh là cái nhìn và khắc họa chân dung các cô gái. Ba cô gái sống và chiến đấu trên một cao điểm giữa một vùng trọng điểm bắn phá của máy bay Mĩ trên tuyến đường Trường Sơn. Công việc của họ rất nguy hiểm vì giữa ban ngày, họ phải phơi mình dưới tầm đánh phá của máy bay địch. Nguy hiểm khôn lường nhưng các cô tự hào về công việc của mình và cái tên gọi mà đơn vị đặt cho là : tổ trinh sát mặt đường. Gắn với cái tên gợi sự khát khao làm nên những sự tích anh hùng ấy là công việc chẳng nhẹ nhàng, đơn giản chút nào. Phương Định hồn nhiên kể: “Chúng tôi bị bom vùi luôn. Có khi bò trên cao điểm về chỉ thấy hai con mắt lấp lánh. Cười thì hàm răng lóa lên trên khuôn mặt nhem nhuốc. Những lúc đấy chúng tôi gọi nhau là “những con quỷ mắt đen””. Tưởng rằng gia nhập một đơn vị thanh niên xung phong ngoài hỏa tuyến là “phải vác súng kia, đi rầm rộ dưới những cánh rừng không trăng sao. Nói với nhau phải mạnh và gọn như những câu khẩu hiệu”, nghĩa là oai hùng lắm, một thứ hào quang của một thế hệ. Dày dạn trước cái sống và cái chết hằng ngày mà chị Thao còn sợ máu, sợ nước mắt, Phương Định thì sợ nhất là cô đơn. Tác giả Lê Minh Khuê đã xây dựng hình ảnh những cô gái tuy mong manh, dịu dàng, có những nỗi sợ như bao người nhưng lại vô cùng mạnh mẽ, can đảm trên chiến trường. Có lẽ chính tác giả đã đặt bản thân và tất cả tình cảm của mình vào nhân vật để bộc lộ, lột tả hết được những suy nghĩ, tâm tư của các cô gái. Lê Minh Khuê tiếp tục lia ống kính quay chậm vào một lần phá bom của Phương Định, tái hiện thật chân thực, tinh tế cảnh tượng kinh khủng đó. Mặc dù đã rất nhiều lần phá bom, nhưng với Phương Định mỗi lần làm công việc này vẫn là một thử thách với thần kinh cho đến từng cảm giác: “Tôi dùng xẻng nhỏ đào đất dưới quả bom. Đất rắn. Những hòn sỏi theo tay tôi bay ra hai bên. Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người, cứa vào da thịt tôi. Tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm chậm quá. Nhanh lên một tí ! Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành. Hoặc là nóng từ bên trong quả bom. Hoặc là mặt trời nung nóng”. Lời văn như dao nhọn, sắc lạnh đến rợn người, khiến người đọc như cảm giác đang trực tiếp trải nghiệm tham gia công việc phá bom cùng với nhân vật vậy. Tiếp đó là những giây phút chuẩn bị kích nổ trái bom: “Tôi cẩn thận bỏ gói thuốc mìn xuống cái hố đã đào, châm ngòi. Dây mìn dài, cong, mềm. Tôi khỏa đất rồi chạy lại chỗ ẩn nấp của mình…”. Những giây phút đợi chờ tiếng nổ của quả bom thật căng thẳng, “tim tôi cũng đập không rõ”, thậm chí cô còn nghĩ tới cái chết, nhưng đó là cái chết mờ nhạt, không cụ thể. Quả bom nổ, một thứ tiếng kì quái, đến vang óc. Ngực nhói, mắt cay xè, mùi thuốc bom buồn nôn. Mảnh bom xé không khí, lao và rít vô hình trên đầu. Một cuộc chiến đấu không cân sức, nguy hiểm đầy ngoạn mục nhưng cô gái đã mạnh mẽ vượt qua. Đến đây, người đọc càng cảm nhận thấy sự tàn ác khốc liệt của chiến tranh bao nhiêu thì lại càng cảm phục tinh thần trách nhiệm trong công việc, lòng quả cảm vô song, sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc, vì hòa bình của những cô gái thanh niên xung phong phá bom mở đường đến bấy nhiêu. Cả ba cô đều là con gái Hà Nội. Tuy cá tính và hoàn cảnh riêng mỗi người mỗi khác nhưng họ đều có phẩm chất chung vô cùng tốt đẹp của thanh niên xung phong tiền tuyến. Đó là tinh thần dũng cảm tuyệt vời, không sợ gian khổ, hi sinh, quyết tâm khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ và tình cảm đồng đội gắn bó, yêu thương. Ở họ còn có những nét chung của các cô gái trẻ là dễ xúc động, nhiều khát vọng và hay mơ mộng, dễ vui mà cũng dễ buồn. Trong bom đạn, cận kề cái chết mà họ vẫn thích làm đẹp cho cuộc sống của mình: Nho thích thêu thùa, chị Thao chăm chép bài hát, Định thích ngắm mình trong gương, thích ngồi bó gối thả hồn theo dòng hồi tưởng và cất tiếng hát:
“Ôi trái tim em, trái tim vĩ đại
Còn một giọt máu tươi, còn đập mãi
Không phải cho em.
Cho lẽ phải trên đời.
Cho quê hương em.
Cho Tổ quốc loài người.”
(Tố Hữu)
Để truyền tải một cách sâu sắc, trọn vẹn tình cảm của mình đối với những cô gái thanh niên xung phong, Lê Minh Khuê đã đặt nhân vật vào những hoàn cảnh vô cùng chân thật. Từ đó, tác giả giúp người đọc hiểu được sự khắc nghiệt, nguy hiểm của những công việc đáng lẽ là của các anh thanh niên vai to sức rộng. Tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” đã phản ánh một cách tự nhiên và tinh tế tâm trạng của những cô gái ở chiến trường, luôn đối mặt với cái chết mà vẫn sống hồn nhiên, lạc quan và không kém phần lãng mạn. Qua đó, ta càng có thể khẳng định tình cảm của tác giả đã truyền tải đến: chiến tranh làm cho họ dày dạn và cứng cỏi hơn, nhưng vẫn không thể làm mất đi nét hồn nhiên, trong sáng của tuổi trẻ. Đồng thời, “Những ngôi sao xa xôi” đã mang đến cho người đọc những trải nghiệm, đưa họ qua từng cung bậc cảm xúc mà họ chưa từng thể nghiệm. “Những cuộc chiến qua đi, những trang lịch sử của từng dân tộc được sang trang, các chiến tuyến có thể được dựng lên hay san bằng. Nhưng những tác phẩm đi xuyên qua mọi thời đại, mọi nền văn hóa hoặc ngôn ngữ cuối cùng vẫn nằm ở tính nhân bản của nó. Có thể màu sắc, quốc kì, ngôn ngữ hay màu da chúng ta khác nhau. Nhưng máu chúng ta đều có màu đỏ, nhịp tim đều giống nhau. Văn học cuối cùng là viết về trái tim con người” (Maxin Malien).
Văn học là cuốn đại bách khoa toàn thư về cuộc sống. Mỗi tác phẩm học là một mảnh đời, mảnh hồn dân tộc, một tiếng nói lương tri của thời đại. Đọc một tác phẩm tốt như xem một cuốn phim hay mà mọi diễn biến của cuộc đời như đang hiện ra trước mắt. Đến với truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long, ta như nhận ra được bóng dáng của thời đại, nhận ra được bức tranh rộng lớn của xã hội mà nhân vật đang sống. Tác phẩm ra đời năm 1970, giữa lúc miền Bắc đang hăng say lao động sản xuất để xây dựng xã hội chủ nghĩa và chi viện cho miền Nam đánh Mĩ. Mỗi người dân đều ý thức sâu sắc vai trò của bản thân mình đối với sự nghiệp chung của đất nước: sống đẹp, sống có ích để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nguyễn Thành Long đã xây dựng một câu chuyện về những người lao động dẫu bình thường nhưng rất đáng mến, vĩ đại. Và nhân vật anh thanh niên đã trở thành biểu tượng cho những con người tích cực, trách nhiệm như thế. Anh thanh niên mang trong mình đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của con người trong cuộc sống mới ở tấm lòng yêu đời, yêu nghề, tinh thần trách nhiệm với công việc. Nói về hoàn cảnh sống và công việc của anh, theo lời bác lái xe thì anh là người “cô độc nhất thế gian”, bởi đã mấy năm anh sống một mình trên đỉnh núi Yên Sơn cao hai nghìn sáu trăm mét, bốn bề chỉ có cây cỏ và mây núi lạnh lẽo. Công việc của anh là đo gió, đo mưa, đo nắng, đo chấn động mặt đất…. rồi ghi chép lại và báo về trung tâm, nhằm vào việc báo trước thời tiết hàng ngày. Nhưng cái gian khổ nhất với anh là phải vượt qua sự cô đơn vắng vẻ, quanh năm suốt tháng trên đỉnh núi cao không một bóng người, đây là một hoàn cảnh đặc biệt. Động lực khiến người thanh niên này chấp nhận gian khổ để hoàn thành công việc là do anh rất yêu nghề và ý thức được công việc của mình. Công việc thầm lặng của mình là có ích cho cuộc sống của mọi người, anh hiểu rằng: anh sẽ là một cái riêng trong cái chung của mọi người. Công việc của anh là một công việc đòi hỏi tính tỉ mỉ chính xác và có tinh thần trách nhiệm cao. Nửa đêm đúng giờ ốp thì dù mưa tuyết giá lạnh thế nào cũng phải trở dậy làm việc đã quy định. Anh phải đối chọi với thời tiết vô cùng khắc nghiệt: “xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới”, “những lúc im lặng lạnh cóng mà lại hừng hực như cháy”. Anh hiểu công việc của mình tuy gian khổ nhưng anh tâm sự với ông họa sĩ rằng: “Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn chết mất”. Đối với anh, công việc là niềm vui, nhờ công việc mà anh được tiếp thêm niềm vui, sức mạnh để cống hiến cho đất nước. Khó người đọc nào có thể quên, việc làm đầu tiên của anh khi có khách lên thăm nơi ở của mình là: hái một bó hoa rực rỡ sắc màu tặng người con gái lần đầu quen biết. Bó hoa cho cô gái, nước chè cho ông hoạ sỹ già, làn trứng ăn đường cho hai bác cháu… Chính vì thế nên các vị khách rất cảm động trước tấm chân tình ấy của anh. Anh là một trí thức có lối ứng xử lịch sự, ấm áp tình yêu thương. Tất cả không chỉ chứng tỏ đó là người con trai tâm lý mà còn là minh chứng cho một tấm lòng tận tình đáng quý, một tuổi trẻ đẹp đẽ với cái đẹp xuất phát từ tâm hồn. Công việc vất vả, có những đóng góp quan trọng cho đất nước nhưng người thanh niên hiếu khách và sôi nổi ấy lại rất khiêm tốn. Anh cảm thấy đóng góp của mình bình thường, nhỏ bé so với bao ngươi khác. Vì thế anh đã từ chối ông họa sĩ vẽ bức chân dung của mình, con người khiêm tốn ấy còn hào hứng giới thiệu ông họa sĩ những người mà anh cho là đáng vẽ hơn: ông kỹ sư ở vườn rau vượt qua bao vất vả để tạo ra củ su hào ngon hơn, to hơn; người cán bộ nghiên cứu sét, hơn mười một năm không xa cơ quan lấy một ngày… Anh khiêm nhường nhận định công việc của mình cũng chỉ là bình thường và trân trọng những đóng góp, những hi sinh của bạn bè, đồng đội. Dù còn trẻ tuổi nhưng anh đã thấm thía cái nghĩa, cái tình của mảnh đất Sa Pa, thấm thía sự hi sinh lặng thầm của những con người đang ngày đêm làm việc và lo nghĩ cho đất nước. Có tài năng, có phẩm chất tốt đẹp, nhưng anh thấy mình còn nhiều điều phải học hỏi. Phẩm chất ấy của anh là tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam. Anh thanh niên để lại ấn tượng mãi không phai mờ là nhờ cách xây dựng nhân vật rất thành công của Nguyễn Thành Long. Tác giả đã xây dựng nhân vật anh thanh niên vô cùng độc đáo, gần gũi. Giữa những lúc khó khăn thì anh thanh niên đã vô cùng nghị lực, vững vàng nhận công việc, từ đó đề cao lên bổn phận con người. Tác phẩm chẳng phải là một bản hùng ca ca ngợi những người lính, người chiến sĩ hay tình cảm thiêng liêng ruột thịt, “Lặng lẽ Sa Pa ca ngợi vẻ đẹp của người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng trong cuộc sống. Đồng thời, “Lặng lẽ Sa Pa”của Nguyễn Thành Long đã truyền tải cho người đọc những tình cảm mới mẻ, những tư tưởng nhân sinh mà độc giả có lẽ chưa từng bắt gặp trong bất kì tác phẩm nào. Nó xứng đáng là một “tác phẩm đích thực” bởi nó đã khẳng định tình cảm và suy nghĩ của tác giả rằng: “con người sinh ra không phải để tan biến như một hạt cát vô danh, họ sinh ra là để in dấu lại trong tim người khác, in dấu trên mặt đất”.
Nguyễn Minh Châu đã nói: “Người viết văn là một người rất nặng nợ với đời. Cuộc đời của anh ta là một cuộc đời không bao giờ được phép ngừng lăn lộn trong cuộc sống thực tế, không bao giờ ngưng nghiên cứu và quan sát”. Tạo nên tình cảm mới cho tác phẩm, nhà văn đã thành công khi xây dựng được nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Con người phải có niềm tin với cuộc sống, nhà văn phải trao cho họ niềm tin, sức sống, tình cảm, tư tưởng mãnh liệt. Nhà văn không bê nguyên si cuộc sống vào trang viết một cách khô cứng, mà là qua ngòi bút nghệ thuật sắc sảo dưới cái nhìn mới mẻ, tinh tế, nhà văn “truyền đạt cho mọi người những tình cảm mới mà họ chưa từng thể nghiệm”. Có như vậy, tác phẩm nghệ thuật mới “trở thành một tác phẩm nghệ thuật đích thực”.
Hai tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê và “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long không chỉ truyền đạt cho độc giả những tình cảm mới, không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật đích thực, nó còn là minh chứng tiêu biểu cho tài năng của người nghệ sĩ. Tìm hiểu ý kiến của Leptonxtoi, ta mới thấm thía quy luật trong văn chương. Một tác phẩm nghệ thuật trung thành với nguyên tắc của văn học, vừa thể hiện tư tưởng, tình cảm của tác giả, vừa làm cho độc giả cảm thấy mới lạ thì hiển nhiên sẽ trở thành một tác phẩm nghệ thuật đích thực. “Tác phẩm chân chính không kết thúc ở trang cuối cùng, không bao giờ hết khả năng kể chuyện khi câu chuyện về các nhân vật đã kết thúc. Tác phẩm nhập vào tâm hồn và ý thức của bạn đọc, tiếp tục sống và hành động như một lực lượng sống nội tâm, như sự dằn vặt và ánh sáng của lương tâm, không bao giờ tàn tạ như thi ca của sự thật” (Aimatop).
Discussion about this post