CẢM NHẬN VỀ NHÂN VẬT ANH THANH NIÊN QUA ĐOẠN TRÍCH SAU:
“Thôi, chấm dứt tiết mục hái hoa – Người con trai bất chợt quyết định – Bác lái xe chỉ cho ba mươi phút thôi. Hết năm phút rồi. Cháu nói qua công việc của cháu, năm phút. Còn hai mươi phút, mời bác và cô vào nhà uống chè, cho cháu nghe chuyện. Cháu thèm nghe chuyện dưới xuôi lắm. Công việc của cháu cũng quanh quẩn ở mấy chiếc máy ngoài vườn này thôi. Những cái máy vườn trạm khí tượng nào cũng có. Dãy núi này có một ảnh hưởng quyết định tới gió mùa đông bắc đối với miền Bắc nước ta. Cháu ở đây có nhiệm vụ đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu. Đây là máy móc của cháu. Cái thùng đo mưa này, ở đâu bác cũng trông thấy, mưa xong đổ nước ra cốc li phân mà đo. Cái này là máy nhật quang kí, ánh nắng mặt trời xuyên qua cái kính này, đốt các mảnh giấy này, cứ theo mức độ, hình dáng vết cháy mà định nắng. Đây là máy Vin, nhìn khoảng cách giữa các răng cưa mà đoán gió. Ban đêm, không nhìn mây, cháu nhìn gió lay lá hay nhìn trời, thấy sao nào khuất, sao nào sáng, có thể nói được mây, tính được gió. Cái máy nằm dưới sâu kia là máy đo chấn động vỏ quả đất. Cháu lấy những con số, mỗi ngày báo về “nhà” bằng máy bộ đàm bốn giờ, mười một giờ, bảy giờ tối, lại một giờ sáng. Bản báo ấy trong ngành gọi là “ốp”. Công việc nói chung dễ, chỉ cần chính xác. Gian khổ nhất là lần ghi và báo về lúc một giờ sáng. Rét, bác ạ. Ở đây có mưa tuyết đấy. Nửa đêm đang nằm trong chăn, nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi. Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn bão vặn to đến cỡ nào vẫn thấy là không đủ sáng. Xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới. Cái lặng im lúc đó mới thật dễ sợ: nó như bị gió chặt ra từng khúc, mà gió thì giống những nhát chổi lớn, muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung… Những lúc im lặng lạnh cóng mà lại hừng hực như cháy. Xong việc, trở vào, không thể nào ngủ lại được.
A.Mở bài:
Nguyễn Thành Long là một trong những cây bút tiêu biểu của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam. Trong suốt cuộc đời cầm bút của mình ông đã đẻ lại nhiều tác phẩm văn học có giá trị mà đặc sắc nhất là truyện ngắn “ Lặng lẽ Sa Pa” . Đọc tác phẩm ta bắt gặp những con người lao động thầm lặng mà đầy ý nghĩa trong công cuộc xây dựng đất nước mà tiêu biểu nhất là nhân vật anh thanh niên. Mặc dù phải sống và làm việc trong điều kiện khắc nghiệt nhưng ở anh thanh niên lại tỏa sáng nhiều phẩm chất tốt đẹp đáng để chúng ta ngưỡng mộ, học tập.Chúng ta hãy đến với lời tâm sự của bác họa sĩ và cô kĩ sư để hiểu thêm vẻ đẹp của nhân vật này.
B.Thân bài
Khái quát
– Hoàn cảnh sáng tác: Lặng lẽ Sa Pa là kết quả của chuyến công tác ở Lào Cai trong mùa hè năm 1970, sau này được in trong tập Giữa trong xanh ( 1972). Đây là truyện ngắn tiêu biểu ở đề tài viết về cuộc sống mới hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc. Truyện kể về cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa nhân vật anh thanh niên với cô kĩ sư và bác họa sĩ để từ đó ca ngợi những con người những công việc thầm lặng.
– Khái quát chủ đề: Đoạn trích trên là lời tâm sự của anh thanh niên với ông họa sĩ và cô kĩ sư khi hai người lên thăm nhà anh trên đỉnh cao Yên Sơn. Qua đoạn trích ta thấy được ở anh một con người có tình yêu với công việc, một người tự giác có tinh thần trách nhiệm cao, có thái độ nghiêm túc trong công việc.
2. Phân tích nhân vật anh thanh niên qua đoạn trích
a/ Khái quát về công việc của anh thanh niên
– Đoạn trích đưa ta đến vùng đất Sapa để gặp một chàng thanh niên 27 tuổi làm công tác khí tượng khí tượng kiêm vật lí địa cầu. Tuy là nhân vật chính của tác phẩm, nhưng anh xuất hiện không nhiều chỉ qua lời giới thiệu của bác lái xe và hiện ra trong cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ, ngắn ngủi với ông họa sĩ và cô kĩ sư nhưng cũng đủ để nhân vật anh thanh niên tỏa sáng.
– Đó là một chàng trai 27 tuổi, sống một mình trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m. Quanh năm làm bạn với thiên nhiên cây cỏ mây mù, lạnh lẽo, hoàn toàn vắng bóng con người. Khó khăn lớn nhất không phải là thiên nhiên khắc nghiệt mà chính là nỗi cô đơn.
– Công việc chính của anh là: đo nắng, đo mưa, đo gió, tính mây, đo chấn động mặt đất.
=> Góp phần dự báo thời tiết, phục vụ lao động sản xuất và chiến đấu.
– Gian khổ nhất là làm việc lúc 1h sáng, dù mưa gió tuyết lạnh thế nào cũng phải trở dậy ra ngoài làm việc. Công việc của anh làm âm thầm, lặng lẽ một mình, báo về “ốp” đều đặn những con số để phục vụ sản xuất, chíên đấu. Công việc ấy đòi hỏi phải tỉ mỉ, chính xác, có tính trách nhiệm cao.
=> Quả thực điều kiện sống và làm việc đó của anh thanh niên là vô cùng gian khổ và khốc liệt, là một thử thách lớn đối với tuổi trẻ vốn thích tự do, bay nhảy, phóng khoáng. Nhưng chính hoàn cảnh sóng khắc nghiệt ấy lại có thể để anh tỏa sáng nhiều phẩm chất.
b/ Phẩm chất của anh thanh niên được thể hiện qua đoạn trích
Ở anh trước hết ta nhận ra là tình yêu với công việc. Anh giới thiệu chi tiết từng loại máy, từng dụng cụ của mình cho ông họa sĩ và cô kĩ sư. Cháu ở đây có nhiệm vụ đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu. Đây là máy móc của cháu. Cái thùng đo mưa này, ở đâu bác cũng trông thấy, mưa xong đổ nước ra cốc li phân mà đo. Cái này là máy nhật quang kí, ánh nắng mặt trời xuyên qua cái kính này, đốt các mảnh giấy này, cứ theo mức độ, hình dáng vết cháy mà định nắng. Đây là máy Vin, nhìn khoảng cách giữa các răng cưa mà đoán gió. Để có thể hiểu và giới thiệu một cách đầy đủ về công việc cũng như các thiết bị làm việc của mình một cách rành rọt như vậy hẳn là anh đã phải dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu về nó thậm chí coi nó như người bạn của mình. Và anh cũng có rất nhiều kinh nghiệm trong công việc của mình. Ban đêm, không nhìn mây, cháu nhìn gió lay lá hay nhìn trời, thấy sao nào khuất, sao nào sáng, có thể nói được mây, tính được gió. Những kinh nghiệm ấy anh đã tích lũy được trong quá trình làm việc, trong suốt 4 năm anh gắn bó với công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu.
Anh thanh niên còn là một người có tinh thần tự giác rất cao, có thái độ nghiêm túc trong công việc. Một mình sống trên đỉnh Yên Sơn, không có ai đôn đốc, kiểm tra nhưng anh vẫn vượt qua hoàn cảnh làm việc một cách nghiêm túc. Dù thời tiết khắc nghiệt mùa đông giá rét mà anh đều thức dậy thắp đèn đi “ốp” đúng giờ. Ngày nào cũng vậy anh làm việc một cách đều đặn, chính xác 4 lần trong ngày, âm thầm, bền bỉ trong nhiều năm trời. Khó nhất là lúc đo và báo về cơ quan vào lúc 1 giờ sáng.
– Theo lời anh kể: Rét, bác ạ. Ở đây có mưa tuyết đấy. Nửa đêm đang nằm trong chăn, nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi. Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn bão vặn to đến cỡ nào vẫn thấy là không đủ sáng. Xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới. Cái lặng im lúc đó mới thật dễ sợ: nó như bị gió chặt ra từng khúc, mà gió thì giống những nhát chổi lớn, muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung… Những lúc im lặng lạnh cóng mà lại hừng hực như cháy. Xong việc, trở vào, không thể nào ngủ lại được”. Giữa chon von nơi đỉnh núi, lại vào lúc một giờ sáng, khi nhà nhà, người người đang chìm trong giấc ngủ thì anh thanh niên lại phải bật dậy, xách đèn bão ra vườn thực hiện công việc của mình. Anh có thế không dậy, có thể lấy con số cũ hoặc một cọn số bất kì nào đó để báo về cơ quan. Nhưng không, anh đã không làm như vậy bởi anh nhận thức được rất rõ tầm quan trọng của công việc mà anh đang đảm nhận. và hơn cả tinh thần vượt khó để hoàn thành công việc ấy chính là xuất phát từ tinh thần tự giác cao của anh. Một người trẻ tuổi như anh thật đáng trân quý biết bao.
3/ Đánh giá
Như vậy, bằng cách kể chuyện tự nhiên, chân thực, bằng sự đan xen giữa tự sự và miêu tả, đoạn trích đã giúp người đọc cảm nhận được trọn vẹn những vẻ đẹp trong tâm hồn nhân vật anh thanh niên- một chàng yêu nghề và có tinh thần trách nhiệm, tinh thần tự giác đáng trọng. Anh thanh niên chính là hình ảnh đại diện của thế hệ trẻ VN thời kì chống Mĩ cứu nước. Xây dựng nhân vật này, Nguyễn Thành Long muốn gửi vào đó lời ngợi ca đến những con người đang ngày đêm thầm lặng cống hiến cho dân tộc.
C. Kết bài:
Có thể nói rằng truyện ngắng “LLSP” của nhà văn NTL là một tác phẩm vô cùng đặc sắc. Tác phẩm và đặc biệt là đoạn trích trên đã khơi gợi trong lòng người đọc không ít những tình cảm đẹp. Nó khiến ta càng thêm cảm phục trước tài năng kể chuyện của nhà văn Nguyễn Thanh Long, càng thêm trân trọng và yêu mến những con người đang lao động cống hiến hết mình vì đất nước. Từ cuộc trò chuyện của anh thanh niên với cô kĩ sư và bác họa sĩ, tác phẩm đã đem đến cho người đọc những bài học vô cùng sâu sắc. Đó là bài học về lí tưởng sống, về trách nhiệm và về tinh thần vượt khó vươn lên . Và có lẽ chính vì thế mà sau bao thăng trầm của lịch sử truyện ngắn “LLSP” của nhà văn NTL vẫn còn mãi trong lòng bạn đọc.
🔻 Xem thêm:
- Cảm nhận về nhân vật anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa”
- Chất thơ trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”
- Cảm nhận anh thanh niên trong đoạn trích: ”Anh hạ giọng…mỗi người một vẻ”.
- Đóng vai anh thanh niên, cô kỹ sư, ông họa sĩ già kể lại “Lặng lẽ Sa Pa”
- Phân tích nhân vật anh thanh niên qua đoạn trích “Anh hạ giọng, nửa tâm sự…” – Lặng lẽ Sa Pa
- Cảm nhận về vẻ đẹp của hai nhân vật: anh Sáu trong tác phẩm Chiếc lược ngà và anh thanh niên trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa
- Anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa – “Những người có lẽ sống cao đẹp đang lặng lẽ quên mình cống hiến cho Tổ quốc”
- Cảm nhận về đoạn trích Lặng lẽ Sa Pa “Trơi ơi chỉ còn năm phút …”
- Cảm nhận vẻ đẹp của tuổi trẻ Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước qua 2 truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa và Những ngôi sao xa xôi
- Viết đoạn văn cảm nhận Anh thanh niên trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”
- Cảm nhận vẻ đẹp nhân vật anh thanh niên trong truyện Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long
Thảo luận về bài viết này